DÒNG SỰ KIỆN. * HÀ NỘI VỚI CHƯƠNG TRÌNH TRỒNG MỚI 1 TRIỆU CÂY XANH* AN TOÀN PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY

Xuất khẩu thực phẩm vào Mỹ: Khó từ những quy định khắt khe

Sưu tầm
08/10/2018 17:52
Các sản phẩm rau quả vào thị trường Hoa Kỳ chịu sự kiểm soát chặt chẽ của nhiều quy định và đạo luật khác nhau

Tuy được đánh giá là những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam (Việt Nam) sang Hoa Kỳ, nhưng nhóm hàng thủy sản, nông sản, thực phẩm, dược phẩm và đồ uống của Việt Nam hiện vẫn đang phải đối phó với nhiều rào cản thương mại của Hoa Kỳ, cũng như những khó khăn trong việc tăng năng lực sản xuất trong nước.

Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam đạt giá trị 102,2 triệu USD năm 2017, chiếm tỷ trọng 0,25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ là con số Bộ Công Thương đưa ra.

Khó từ những quy định khắt khe

Chia sẻ tại hội thảo "Cơ hội xuất khẩu thực phẩm, dược phẩm, đồ uống - Những yêu cầu với hàng nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ" ngày 4/10, ông Nguyễn Thắng Vượng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, hiện mới chỉ có 5 loại trái cây tươi của Việt Nam được cấp phép vào Mỹ đó là: vải, nhãn, chôm chôm, thanh long và vú sữa. Quả xoài hiện cũng đang trong giai đoạn đánh giá rủi ro cuối cùng trước khi được phía Hoa Kỳ chính thức cấp phép nhập khẩu.

Những con số xuất khẩu "ít ỏi" trên, theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận toàn diện, chưa hiểu biết cặn kẽ những quy định về an toàn thực phẩm, dược phẩm khi nhập khẩu cũng như quy trình, thủ tục vào thị trường Hoa Kỳ.

Còn theo ông Vượng, sở dĩ số lượng trái cây được cấp phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ còn hạn chế là do quy định nhập khẩu của Hoa Kỳ rất phức tạp và chồng chéo. Đơn cử, đối với 5 loại trái cây tươi được cấp phép xuất khẩu vào Hoa Kỳ cần phải được xử lý chiếu xạ; được thanh tra APHIS (Sở kiểm dịch thực động vật Hoa Kỳ) ký xác nhận đã chiếu xạ, được đệ trình tại thời điểm nhập cảng. 

Đồng thời, phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật ghi rõ "lô hàng được kiểm tra và tìm thấy không có sâu vải phytoph-thora" và "lô hàng được sản xuất và chuẩn bị để xuất khẩu phù hợp với các yêu cầu trong kế hoạch hoạt động hai bên". Đối với xoài, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật phải có một tờ khai bổ sung cho biết lô hàng được kiểm tra và tìm thấy không có sâu macrophoma mangiferae và xanthomonas campestris.

Có thể nói, các sản phẩm rau quả vào thị trường Hoa Kỳ chịu sự kiểm soát chặt chẽ của nhiều quy định và đạo luật khác nhau như Chương trình Bảo vệ thực vật và Kiểm dịch (PPQ); Đạo luật Bảo vệ thực vật (PPA); Đạo luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA); Đạo luật Bảo vệ chất lượng thực phẩm (FQPA) và một số quy định khác. 

Riêng đối với Đạo luật FSMA của Hoa Kỳ yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu phải đăng ký cơ sở sản xuất và đăng ký người đại diện tại Hoa Kỳ. Cứ sau 2 năm, doanh nghiệp nước ngoài đang xuất hàng thực phẩm vào Hoa Kỳ phải tiến hành đăng ký lại cơ sở sản xuất và người đại diện tại Hoa Kỳ để được cấp mã số kinh doanh hợp lệ mới.

Trong khi đó, trình độ sản xuất ở tất cả các công đoạn sản xuất và chế biến rau quả của Việt Nam còn hạn chế. Sản phẩm của Việt Nam chưa tiếp cận được hệ thống phân phối trực tiếp cũng như phải cạnh tranh với xu hướng bảo hộ nông nghiệp gia tăng tại Hoa Kỳ.

Tìm hiểu rõ quy định của Hoa Kỳ

Để tăng cường xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ các mặt hàng nói trên, ông Phú khuyến cáo, việc nhanh chóng khắc phục những bất cập trên vừa là yêu cầu trước mắt, vừa là vấn đề xuyên suốt trong tiến trình đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ về quy định nhập khẩu từ phía Hoa Kỳ. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước có thể sớm áp dụng vào thực tế hoạt động của đơn vị mình, nhằm đáp ứng những quy chuẩn mà thị trường Hoa Kỳ đã đặt ra.

"Nếu có được những sản phẩm thâm nhập và đứng vững ở thị trường khổng lồ này, xem như sản phẩm hàng hóa của Việt Nam đã được cấp giấy thông hành vào các thị trường khác", ông Phú nói.

Theo ông David Lennarz, nguyên chuyên gia kỹ thuật Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), những quy định về nhập khẩu của Hoa Kỳ đang đặt ra nhiều thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả của Việt Nam khi muốn thâm nhập vào thị trường này. Doanh nghiệp sẽ phải chịu chi phí tuân thủ tăng cao trong khi thiếu thông tin kịp thời và phương thức nuôi trồng cùng như thực tiễn sản xuất không thích hợp, chậm được thay đổi. Do vậy, để nhóm các mặt hàng thủy sản, nông sản, thực phẩm, dược phẩm và đồ uống có thể thâm nhập vào Hoa Kỳ, sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định đặt ra.

Đặc biệt, ông David Lennarz nhấn mạnh tới việc FDA sẽ thanh tra cơ sở thực phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ - điều này quan trọng hơn đánh giá GMP thường xuyên. Mục đích của việc thanh tra nhằm xác định các vấn đề về an toàn thực phẩm trước khi sản phẩm đến Hoa Kỳ hoặc nhập hàng thương mại liên bang; xác nhận tình trạng tuân thủ của các cơ sở; giúp FDA đưa ra các quyết định hợp lý; đảm bảo sản phẩm thực phẩm đáp ứng được các yêu cầu Hoa Kỳ theo luật thực phẩm và dược phẩm. 

Ông lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam, một chuyến thanh tra cơ sở của FDA là một kỳ kiểm tra cẩn thận, quan trọng và chính thức đối với cơ sở để xác minh việc tuân thủ luật được quản lý bởi FDA. "Nếu doanh nghiệp từ chối thanh tra thì hậu quả có thể bị tăng cường việc quản lý kiểm tra mẫu, từ chối nhập khẩu...", ông David Lennarz cho biết.

Vì thế, theo ông, việc chuẩn bị là rất quan trọng. Ngay lập tức các doanh nghiệp phải giải quyết các vấn đề đơn giản trong quá trình thanh tra. Phản hồi mẫu 483 (mẫu đơn tóm tắt kết quả sơ lược thanh tra) với các giải pháp kèm bằng chứng, không trả lời mơ hồ...

'; $(".float_banner_c2").html(float_banner_c2); })